Retail therapy là gì? Retail therapy có thực sự tốt?

emailpower / 2024-11-08

Mua sắm là một trong những hoạt động được nhiều người yêu thích, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Đối với nhiều người, mua sắm được xem là cách để giải toả năng lượng tiêu cực, đó cũng là khi retail therapy ra đời. Vậy retail therapy thực sự là gì? Retail therapy là điều tốt cần được duy trì hay phải loại bỏ? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Retail therapy là gì?

Retail therapy, hay còn gọi là trị liệu mua sắm, là một thuật ngữ chỉ việc mua sắm như một cách để giảm stress hay cải thiện tâm trạng. Đó là khi một người tìm đến mua sắm để cảm thấy tốt hơn khi họ đang buồn bã, chán nản hay đang phải chịu áp lực trong cuộc sống, ngay cả khi họ không cần phải chi tiền cho những món sản phẩm đó. Họ xem việc mua cho bản thân một thứ gì đó như là một cách tự cổ vũ bản thân.

Vì sao retail therapy lại khiến ta cảm thấy tốt hơn?

Nhiều người cho rằng mua sắm là một sự lãng phí. Tuy nhiên, retail therapy vẫn có thể mang lại những lợi ích nổi bật:

1.   Mang lại cảm giác yêu thích, hạnh phúc

Ta có thể nhận được sự thúc đẩy về mặt cảm xúc và tâm lý khi ghé thăm các cửa hàng, thậm chí đó là cửa hàng trực tuyến. Việc mong đợi được khen thưởng sẽ giải phóng một loại hóc môn đó là dopamine trong não của ta. Nó giúp ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, đồng thời muốn ta tiếp tục tìm cách khiến bản thân cảm thấy vui vẻ.

Đôi khi cảm giác yêu thích không cần phải thành công mua món đồ nào đó. Việc lựa chọn sản phẩm trên điện thoại và lấp đầy giỏ hàng trực tuyến cũng đủ tạo ra một hành trình cảm xúc thú vị, hưng phấn.

2.   Cảm giác mọi thứ được kiểm soát

Nỗi buồn, căng thẳng thường liên quan đến việc ta không thể kiểm soát được những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, trong học tập hay sự nghiệp. Các chuyên gia cho rằng hành động đưa ra hành động khi mua sắm có thể mang lại cảm giác kiểm soát được khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Khi ấy, ta chọn được thứ ta muốn, được sở hữu và tiêu dùng sản phẩm ưng ý.

3.   Giúp xao nhãng khỏi nỗi buồn

Trở nên bận rộn với suy nghĩ cần mua gì, lựa chọn điều gì hợp với bản thân giúp ta tạm thời quên bất cứ điều gì khiến bản thân đang cảm thấy chán nản. Dù đó là việc mua sắm trực tiếp hay trực tuyến, những hình ảnh quảng cáo sáng sủa, bắt mắt sẽ tăng sự thích thú, đẩy ta khỏi thực tế của chính mình. Các sản phẩm, bảng hiệu luôn được thiết kế thu hút khách hàng, là một cách hiệu quả để đánh lạc hướng ta khỏi nỗi buồn.

4.   Cải thiện sự tự tin

Retail therapy cải thiện sự tự tin của ta bằng những món đồ giúp ta trở nên đẹp hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn. Nó cũng có thể mở rộng góc nhìn của ta để thấy cuộc sống này có nhiều cách để cải thiện, ta có thể tự mình phát triển bản thân mình trở nên tốt hơn.

Nhược điểm của retail therapy

Bên cạnh những ưu điểm đã nêu ở trên, retail therapy cũng có những nhược điểm nếu không được kiểm soát có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta:

1.   Nghiện mua sắm

Mua sắm cũng có thể trở thành hành vi cưỡng chế. Có nhiều người mắc chứng rối loạn mua sắm cưỡng chế, họ dành quá nhiều thời gian để mua sắm và chi tiêu tiền bạc.

Việc mua sắm mỗi khi cảm thấy không tốt dễ phát triển thành thói quen không lành mạnh, nó khiến ta phụ thuộc vào việc mua sắm để cảm thấy tốt hơn.

2.   Vấn đề về tài chính

Ảnh hưởng rõ ràng nhất của retail therapy đó chính là nó khiến ta “ví nhẹ” liên tục. Việc mua sắm liên tục dẫn đến tình trạng chi tiêu vượt quá ngân sách, gây ra nợ nần và áp lực tài chính. Từ đó, ta sẽ có cảm giác hối hận vì đã chi tiêu phung phí hoặc những sản phẩm không cần thiết mà ta đã mua.

3.   Cảm giác tạm thời

Retail therapy có thể khiến ta vui vẻ, hưng phấn nhưng đó cũng chỉ là cảm xúc tạm thời chứ không thể giúp ta giải quyết được các vấn đề cảm xúc hoặc tâm lý gốc rễ. Sau khi cảm giác vui thích khi được sở hữu món đồ mới trải qua, ta vẫn phải đối mặt thới thực thế và giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống.

4.   Mất kết nối xã hội

Tập trung vào mua sắm để giải pháp căng thẳng có thể khiến mất kết nối với bạn bè và gia đình, từ đó cô lập hơn. Thay vì chia sẻ khó khăn, mở lòng với người khác thì ta chỉ tập trung vào điện thoại để tìm kiếm món đồ yêu thích, dần ta sẽ trở nên mất kết nối với mọi người trong xã hội.

FILED UNDER : Tổng hợp

TAG :